Luật Phạm Ngân đưa ra một số tư vấn pháp lý liên quan đến điều kiện và thủ tục kết hôn với người trong ngành công an.
- Căn cứ pháp lý
– Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
– Luật Hộ tịch năm 2014.
- Nội dung tư vấn
2.1. Điều kiện kết hôn
– Ngoài những quy định chung về điều kiện kết hôn tại Luật HN&GĐ năm 2014 về độ tuổi kết hôn, tinh thần tự nguyện…thì điều kiện kết hôn với người trong ngành công an còn có những đặc thù riêng như: trước khi kết hôn với người trong ngành công an, cá nhân và gia đình họ sẽ phải thẩm tra lý lịch ba đời để đảm bảo không thuộc trường hợp:
+ Thứ nhất, gia đình làm tay sai cho chế độ phong kiến, Ngụy quân, Ngụy quyền;
+ Thứ hai, bố mẹ hoặc bản thân có tiền án hoặc đang chấp hành án phạt tù;
+ Thứ ba gia đình hoặc bản thân theo Đạo thiên chúa, Cơ đốc, Tin lành…;
+ Thứ tư gia đình hoặc bản thân là người dân tộc Hoa;
+ Thứ năm, bố mẹ hoặc bản thân là người nước ngoài (kể cả khi đã nhập tịch).
Ngoài quy định chung của pháp luật thì cá nhân nên tìm đến nơi người muốn cưới công tác để tìm hiểu thêm vì ở nơi công tác của người đó có thể có những quy định riêng.
2.2. Thủ tục kết hôn với công an
Theo quy định tại điều 7 Luật Hộ tịch, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ có thẩm quyền đăng ký kết hôn cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước. Trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
So với thủ tục kết hôn thông thường, thủ tục kết hôn với công an phức tạp hơn như sau:
Bước 1: Xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Thủ trưởng đơn vị cấp
– Chiến sỹ công an chủ động làm đơn tìm hiểu để kết hôn trong thời gian từ 03 đến 06 tháng tùy theo mức độ tình cảm của hai người;
– Chiến sỹ công an làm 02 đơn xin kết hôn: 01 đơn gửi thủ trưởng đơn vị; 01 đơn gửi phòng tổ chức cán bộ;
– Người dự định kết hôn với chiến sĩ công an làm đơn để kê khai lý lịch trong phạm vi 03 đời của mình;
Phòng Tổ chức cán bộ có trách nhiệm tiến hành thẩm tra lý lịch, xác minh người mà chiến sỹ công an dự định kết hôn và tất cả những người thân trong gia đình tại nơi sinh sống và nơi làm việc. Thời gian tiến hành thẩm tra, xác minh lý lịch nói trên khoảng từ 2 đến 4 tháng;
Sau khi thẩm định lý lịch, phòng tổ chức cán bộ ra quyết định có cho phép kết hôn hay không. Nếu đồng ý cho chiến sỹ công an đó kết hôn với người chiến sỹ đó dự định cưới thì Phòng tổ chức cán bộ gửi quyết định về đơn vị nơi chiến sỹ ấy công tác. Thủ trưởng đơn vị nơi người đó công tác cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký kết hôn theo quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
– Trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã: (Điều 18 Luật Hộ tịch) Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.
– Trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện: (Điều 38 Luật Hộ tịch)
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, công chức làm công tác hộ tịch có trách nhiệm xác minh, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.